Yên Tử linh thiêng, trường tồn cùng lịch sử dân tộc
Trong dòng chảy của văn hoá dân tộc, danh sơn Yên Tử có truyền thống trải dài cả nghìn năm lịch sử, đồng hành với quá trình phát triển của đất nước. Yên Tử cũng được xem là “địa linh” và “phúc địa” của quốc gia, dân tộc Việt. Vào thời Trần, đây là nơi khai sinh ra dòng thiền Trúc Lâm thuần Việt, do vua Trần Nhân Tông sáng lập, với tư tưởng "nhập thế" gắn đạo với đời. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của thời gian, miền “phúc địa” Yên Tử vẫn luôn là nơi lưu tích lịch sử, bản sắc văn hóa, tư tưởng và tâm hồn Việt cho muôn đời...
GHI DẤU ẤN LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU TRẦN
Từ khoảng cuối thế kỷ XI-XII, dòng họ nhà Trần, vốn là một dòng họ chài lưới, thượng võ sống ở ven biển Đông, trước khi làm chủ Đại Việt đã định cư ở vùng đất Đông Triều. Sau khi làm chủ đất nước, nhà Trần đóng đô ở Thăng Long và đặc biệt chú ý xây dựng, mở mang những vùng đất phát tích: Xây dựng quê hương Tức Mặc (Nam Định) thành kinh đô thứ hai của nhà Trần (Hành đô Thiên Trường), xây dựng khu vực Hải Ấp (Thái Bình) thành khu lăng mộ đầu tiên của vương triều, phong toàn bộ vùng đất Hải Dương - Quảng Ninh cho An Sinh Vương Trần Liễu làm ấp thang mộc bởi Đông Bắc là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của đất nước. Vì vậy, một nhân vật lớn vào bậc nhất của nhà Trần đã được giao cai quản tại đây.
Đền An Sinh (Đông Triều) - nơi thờ bát vị hoàng đế nhà Trần.
Khi cai quản khu vực Đông Bắc, An Sinh Vương Trần Liễu đã cho xây dựng Tổ miếu (đền Thái) là nơi thờ tổ tiên của nhà Trần, sau phát triển trở thành Thái Miếu là nơi thờ hoàng tộc nhà Trần. Sau khi mất, Ngài được xây miếu thờ ở An Sinh. Đến khi vua Trần Anh Tông mất, nhà Trần cũng lấy đền An Sinh làm nơi thờ ngũ vị Hoàng đế cùng với An Sinh Vương. Như vậy, ở Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều - vùng quê gốc lâu đời nhất của họ Trần - đã xuất hiện hệ thống công trình thờ Tổ miếu, Thái miếu sớm nhất, là nơi an nghỉ của nhiều vị vua và hoàng tộc nhà Trần.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Đông Triều là một vùng trầm tích văn hoá lớn của nhà Trần. Trong đó, am Ngọa Vân - nơi đặc biệt linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật nên Ngọa Vân được coi là “thánh địa” của Trúc Lâm.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hoá Phật tại am Ngoạ Vân (TX Đông Triều).
Nhà Trần là một triều đại quân chủ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, trong đó nổi bật với chiến công ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông (năm 1258,1285 và 1288), đế chế hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau những năm chiến tranh, đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhân dân Đại Việt phải trải qua nhiều hy sinh gian khổ, nền kinh tế giảm sút, nhiều công trình văn hóa bị hủy hoại, nhiều làng mạc bị đốt phá… Là người lãnh đạo quân dân nhà Trần chiến đấu bảo vệ đất nước qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc, Trần Nhân Tông không khỏi đau xót trước sự hy sinh, mất mát của nhân dân. Bởi vậy, khát vọng hòa bình và xây dựng đất nước phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc là mong ước lớn nhất của đức vua Trần Nhân Tông. Từ kinh nghiệm lịch sử của ba cuộc kháng chiến thắng lợi, ông đã rút ra bài học muốn bảo vệ và xây dựng đất nước, gìn giữ nền độc lập của dân tộc, vấn đề cốt lõi là phải thống nhất, đoàn kết dân tộc thành một khối, phải điều hòa quyền lợi các giai cấp, quan lại phải liêm chính, trong sạch, làm gương cho thiên hạ.
Muốn làm được điều đó, cần phải xây dựng một hệ tư tưởng thống nhất làm nền tảng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là sứ mệnh lịch sử đặt lên vai vương triều Trần mà người gánh vác sứ mệnh đó chính là đức vua Trần Nhân Tông. Với sứ mệnh cao cả mà lịch sử cũng như vương triều đã lựa chọn, năm 1299, Trần Nhân Tông đã chính thức xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật, soạn kinh truyền giáo, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, đạo hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Người đời gọi Ngài là Điều Ngự Giác Hoàng (Đức Hoàng đế giác ngộ Đạo Thích Ca).
Chùa Quỳnh Lâm ở phường Tràng An, TX Đông Triều, trong lịch sử là một trung tâm đào tạo tăng tài lớn dưới thời Trần.
Mặc dù chính thức chỉ ra đời từ sau chiến thắng Bạch Đằng nhưng tinh thần, tư tưởng cốt lõi của Trúc Lâm Phật giáo đã được ươm trồng, bén rễ từ hàng trăm năm trước đó, đặc biệt là bởi các thiền sư và các vị vua, hoàng thân đầu thời Trần, góp phần to lớn trong việc huy động, đoàn kết quân dân Đại Việt ba lần chiến thắng đế chế Mông Cổ. Sau chiến thắng Bạch Đằng, Trúc lâm Phật giáo tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển đất nước. Ba cuộc kháng chiến thắng lợi, một nước Đại Việt độc lập, chủ quyền, giàu bản sắc cùng chính sách bang giao khéo léo trên cơ sở một hệ tư tưởng độc lập, tự chủ, nhập thế, hòa bình là Phật giáo Trúc Lâm đã góp phần gìn giữ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh, dập tắt tham vọng bành trướng ra các khu vực Đông Á và Đông Nam Á của đế chế Mông Cổ hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Phật giáo Trúc Lâm thực sự đã có nhiều đóng góp trong mọi mặt cuộc sống của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ.
Vua con Trần Anh Tông và các triều thần nghênh đón vua cha, Phật hoàng Trần Nhân Tông khi Ngài tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm trở về. (Trích đoạn bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ)
Thời gian mà vua Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành không dài, chỉ 9 năm từ 1299 đến 1308, nhưng ông đã để lại những di sản to lớn, quý báu cho dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, làm phong phú, sâu sắc thêm bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành từ ngàn năm lịch sử.
NƠI HÌNH THÀNH, RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO TRÚC LÂM
Yên Tử là tên dãy núi thuộc cánh cung Đông Triều, nằm ở vùng Đông Bắc của Việt Nam. Từ xa xưa, núi Yên Tử đã được các nhà địa lý cổ phương Đông ghi nhận là một trong những phúc địa “Giao Châu”, nơi tích tụ khí thiêng sông núi và là nơi trời đất giao hòa, giúp con người dễ dàng thoát tục để đến với một không gian thanh tịnh, không vướng bụi trần.
Yên Tử được coi là “phúc địa thứ 4 của Giao Châu”.
Trải qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn, danh sơn Yên Tử trở thành nơi hội ngộ của các bậc thiền sư đạo cao đức trọng như Tổ Huyền Quang đời Lý đến Tam Tổ Trúc Lâm đời Trần; từ Tổ Chân Nguyên đời Lê đến ni sư Đàm Thái thời Nguyễn; có nhà sư dòng dõi vua chúa, quý tộc Việt như Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông, Đệ Tam Tổ Huyền Quang đến Thiền sư Trung Quốc như Tỳ kheo Minh Hành.
Tương truyền, trước Công nguyên có một đạo sĩ tên là An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh), người phương Bắc đã chọn núi Yên Tử làm nơi tu tiên luyện đan, khi mất đã hóa thành pho tượng đá, ngàn đời gắn bó với nơi này. Và cuối thế kỷ 13, đức vua Trần Nhân Tông với con mắt của một thiền sư tài ba đã chọn Yên Tử làm nơi tu hành và đắc đạo. Khi ông nhập cõi niết bàn và được tôn là Đệ nhất Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì nơi đây trở thành chốn Tổ của Đạo Phật Việt Nam. Cùng với hai đệ tử kiệt xuất là Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang - cả ba vị được tôn là Trúc Lâm Tam Tổ. Các vị đã nỗ lực hoằng dương Phật pháp, thống nhất các Thiền phái có trước, kết hợp với Đạo giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Phật giáo của Đại Việt thời bấy giờ. Hạt nhân giáo lý của Trúc Lâm Tam Tổ là: Phật không phải ở đâu xa xăm, bí ẩn mà ở chính trong tâm, tâm trong sáng chính là chân Phật. Phật giáo Trúc Lâm khuyên người đời hãy tu tại tâm, tức là tự tu dưỡng, rèn luyện thành người có ích cho đời, cho dân, cho nước. Vì vậy, với Phật giáo Trúc Lâm, Phật tức là Đời. Mà điều thiêng, cao cả của Đời là sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.
Yên Tử được mệnh danh là kinh đô của Phật giáo Việt Nam.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) là nơi hình thành, ra đời và phát triển của trung tâm Phật giáo Thiền tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng tạo ra. Đây là một trong những di tích lớn và ra đời sớm ở nước ta. Theo đó, hệ thống chùa, am, tháp, bia, tượng ở Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thiền sư tu hành tại đây.
Các khu di tích khác trong quần thể đánh dấu sự mở rộng và phát triển đỉnh cao của Phật giáo Trúc Lâm. Trong đó, Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đánh dấu sự thành công viên mãn của Phật giáo Trúc Lâm qua việc ghi dấu nơi Phật hoàng hóa, nhập niết bàn và hình thành một hệ thống di tích thể hiện cho sự thành công đó. Đặc biệt, quần thể này có am - chùa Ngọa Vân là nơi vua Trần Nhân Tông khi đến Yên Tử tu hành đã dựng ở đây một am nhỏ để tu thiền và Ngài đã chọn nơi đây là nơi viên tịch những năm tháng cuối đời.
Khu di tích Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) là nơi các di tích Trúc Lâm phát triển dày đặc và đặc biệt có chùa Vĩnh Nghiêm, một trong những trung tâm Phật giáo lớn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là trường đào tạo tăng, ni đầu tiên ở Việt Nam. Cả ba vị Tổ của Trúc Lâm Yên Tử đều từng lấy chùa làm trung tâm truyền bá Phật pháp của dòng thiền này. Tại đây hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý, đặc biệt là kho Mộc bản với hơn 3 nghìn bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 16/5/2012.
Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) hiện còn hàng trăm am tháp được xây dựng qua các đời.
Khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) chứa đựng những cơ sở Phật giáo nổi bật, như chùa Tường Vân (An Phụ), chùa Dương Nham (Kính Chủ), chùa Nhẫm Dương, thuộc dòng thiền Trúc Lâm và dòng thiền Tào Động. Đây là các dòng Phật giáo thuần Việt đã góp phần chấn hưng Phật giáo. Và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là nơi đánh dấu sự phát triển đến đỉnh cao và toàn diện của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, gắn với Đệ nhị tổ Pháp Loa với tổ đình Thanh Mai và Đệ tam tổ Huyền Quang với tổ đình Côn Sơn.
Sự ra đời và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá, những sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối và tu hành thập thiện, như: Thiền tâm thiết chủy ngữ lục; Đại Hương Hải ấn thi tập; Tăng già toái sự; Thạch thất Mỵ ngữ; Truyền Đăng lục; Thượng sĩ Hành trạng… Đó là những di sản văn hóa phi vật thế quý giá đang đồng hành với sự phát triển của lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, Phật giáo Trúc Lâm cũng đã để lại cho đời sau nhiều công trình văn hóa vật thể, đặc biệt trên dãy núi Yên Tử, như: chùa Bí Thượng, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, Viện Quỳnh Lâm, Am Hồ Thiên, chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai… Đây là những minh chứng lịch sử còn lại của cả thời đại Lý - Trần, thời đại vẻ vang nhất, hưng thịnh nhất của Phật giáo trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Du khách thập phương về dâng hương tại Am Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông viên tịch. (Ảnh: Ban Quản lý Khu di tích Nhà Trần cung cấp)
Những giá trị lịch sử của quần thể di sản đã và đang được nhìn nhận đúng với tầm vóc, để danh sơn Yên Tử mãi mãi là chốn tổ Trúc Lâm linh thiêng cho hôm nay và muôn đời sau.
Có thể nói, từ khi đức vua Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành, sáng lập Phật giáo Trúc Lâm thì danh sơn Yên Tử đã được coi là chốn Tổ linh thiêng của Phật giáo Việt Nam. Sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là kết quả của những nỗ lực đưa Phật giáo sát cánh cùng dân tộc, tạo nên một hệ tư tưởng Phật học mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.
NƠI KHỞI ĐẦU CỦA DÒNG THIỀN VIỆT
Các nhà khoa học lịch sử đã cho rằng, tính khác biệt của Yên Tử chính là nơi khởi đầu của dòng thiền Việt - Phật giáo Trúc Lâm, dần trở thành kinh đô Phật giáo của Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, Phật giáo có mặt ở Việt Nam từ 2.000 năm trước, thế nhưng giáo lý và vị tổ đều là người nước ngoài. Chỉ có Phật giáo Trúc Lâm xuất hiện sau đó là do người Việt sáng lập, chính là Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị Tổ thứ nhất, và giáo lý của Phật giáo Trúc Lâm cũng chính là từ cuộc sống của người Việt mà ra và trở lại hòa hợp với đời sống xã hội Việt.
Vườn tháp Huệ Quang, nơi lưu giữ hồn cốt các vị thiền sư tu hành đắc đạo tại Yên Tử.
Từ thế kỷ XI, dưới sự bảo trợ của triều đình nhà Lý, Phật giáo đã trở thành trường phái tư tưởng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Triều Lý qua 215 năm tồn tại (1010-1225) đã để lại một di sản rất to lớn trong lĩnh vực tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, sau này chiếm ưu thế trong Tam giáo và ảnh hưởng rất lớn đến triều Trần (1225-1400). Thời vua Lý Huệ Tông (1211-1224), Thiền sư Hiện Quang (?-1221), đời thứ 14 của Thiền phái Vô Ngôn Thông, đã về Yên Tử lập ra dòng Thiền Yên Tử, trong đó Tam Tổ Phật giáo Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang - đồng thời được tôn là Tổ truyền thừa thứ 6, 7 và 8 của dòng Thiền này.
Mai vàng Yên Tử.
Đường lên thánh địa Ngoạ Vân. Ảnh Ngọc Đại
Nói cách khác, Phật giáo Trúc Lâm đã hình thành từ dòng Thiền Yên Tử. Thiền sư Hiện Quang - Tổ khai sơn của dòng Thiền Yên Tử đã về Yên Tử tu ở chùa Hoa Yên. Song khuynh hướng tư tưởng của thiền sư thể hiện rõ thái độ xuất thế tiêu cực, xa lánh, bất hợp tác với vương triều Lý lúc bấy giờ đã mục ruỗng, suy đồi. Thái độ đó trái ngược với tinh thần nhập thế tích cực của học trò, đệ tử trưởng của Ngài là Quốc sư Trúc Lâm Đạo Viên - Tổ thứ hai của dòng Thiền Yên Tử và các thế hệ Tổ sư, Quốc sư sau này đã gần gũi, gắn bó, góp phần định hướng cho triều đình nhà Trần.
Tu trên núi Yên Tử vào cuối thời Lý đầu thời Trần, chính Quốc sư Trúc Lâm Đạo Viên là người đầu tiên đã đặt nền móng tư tưởng cho Phật giáo Đại Việt thời Trần. Ngài đã cùng các thế hệ môn đệ kế tiếp của dòng Thiền Yên Tử như các Thiền sư, cư sỹ Đại Đăng, Trần Thái Tông, Tiêu Diêu, Trần Thánh Tông... tạo dựng tư tưởng Phật giáo với 4 điểm lớn: Một là, Phật vốn có sẵn ở nơi tâm của mình, không ở ngoài mình, chỉ cần giác ngộ tâm ấy là thành Phật. Hai là, muốn thành Phật không nhất thiết phải xuất gia. Tu tại gia, tu trong nhân gian cũng có thể thành Phật, thậm chí tu tại gia còn là khó nhất song nếu giác ngộ được cũng là thành tựu nhất. “Nếu giác ngộ được chữ “Tâm” thì lập tức thành Phật, cần gì phải đi cầu ở đâu!”. Quan điểm này trái ngược với việc khuyên người ta lánh đời thoát tục. Ba là phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, thể hiện quan điểm Phật giáo rất tích cực, khẳng định Phật giáo không tách rời cuộc sống, dù là vua hay sư cũng phải phụng sự quốc gia và dân tộc. Bốn là phải chuyên tâm tìm hiểu giáo lý nhà Phật, viết nên những tác phẩm Thiền học có giá trị để khai đạo cho người đời.
Tượng đạo sĩ An Kỳ Sinh tại Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh).
Từ đầu thời Trần (1225) đến trước khi Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chính thức ra đời (1299), cùng với Quốc sư Trúc Lâm Đạo Viên, nhất là từ sau thời Quốc sư, rất nhiều Thiền sư, cư sỹ khác đã góp công tạo dựng nền Phật giáo Trúc Lâm. Giới xuất gia có Quốc sư Đại Đăng (đệ tử của Trúc Lâm Đạo Viên) và đệ tử là Thiền sư Tiêu Diêu... Giới cư sỹ có vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng sỹ Trần Tung (con anh trai vua Trần Thái Tông), vua Trần Nhân Tông..., cho thấy sự hiện diện đông đảo của đội ngũ thiền gia lúc đó. Đó là những Thiền sư, cư sỹ xuất sắc, đóng góp nhiều vào việc tạo dựng Phật giáo Trúc Lâm, kế thừa và phát triển tư tưởng Trúc Lâm lên một tầm cao mới.
PHẬT GIÁO TRÚC LÂM PHÁT TRIỂN TOÀN THỊNH
Giai đoạn phát triển cực thịnh của Phật giáo Trúc Lâm là từ năm 1299 đến khoảng 1358. Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành vào mùa thu năm 1299, là Tổ truyền thừa thứ 6 của dòng Thiền Yên Tử, sáng lập và trở thành Đệ nhất Tổ của Phật giáo Trúc Lâm thì Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt bước sang trang mới.
Chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử.
Đặc biệt, từ sau khi Đồng Kiên Cương (Pháp Loa) xuất gia năm 1304 và quan trạng Lý Đạo Tái (Huyền Quang) xuất gia năm 1305, về sau giữ vai trò Tổ thứ 7 và thứ 8 của dòng Thiền Yên Tử và Đệ nhị, Đệ tam Tổ Phật giáo Trúc Lâm thì Phật giáo này phát triển đến cực thịnh, giữ vai trò nòng cốt trong nền Phật giáo Đại Việt thời đó, có lẽ cho đến khi vua Trần Minh Tông băng hà năm 1358, đánh dấu thời kỳ suy vong của vương triều Trần.
Từ sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành và Phật giáo Trúc Lâm ra đời đã xây dựng nên ở Yên Tử một trung tâm văn hóa rực rỡ của đất nước với hàng trăm công trình chùa, tháp, gác chuông, lầu trống, bia tượng nguy nga và vốn văn hóa phi vật thể gồm kinh, kệ, thơ văn, hoành phi, câu đối, minh, ký, kinh sách Phật giáo Trúc Lâm đã được ấn tống, phát hành rộng rãi trên cả nước. Thời kỳ huy hoàng của Yên Tử có tới 800 chùa, tháp, đặc biệt trên dãy núi Yên Tử với nhiều chùa nổi tiếng như Viện Quỳnh Lâm, Am Hồ Thiên, chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai… với tổng số lên tới 1.300 tượng thờ. Tăng đoàn Phật giáo và Phật tử Đại Việt được nhân lên nhiều lần về số và lượng. Tăng đoàn thuộc Giáo hội Trúc Lâm lúc cực thịnh có tới 30.000 tăng, ni.
Những năm tháng xuất gia ở Yên Tử, Trần Nhân Tông tập trung xây dựng một hệ thống giáo lý mới mẻ của Đạo Phật dân tộc. Trên cơ sở kế thừa những yếu chỉ Thiền Tông mà ngài đã lĩnh hội được từ cuốn sách Thiền học của ông nội Trần Thái Tông và tư tưởng Thiền Tông của bác Tuệ Trung thượng sĩ, Trần Nhân Tông đã tập hợp lại thành các kinh văn, các bản sách rất quý giá như: Thiền tâm thiết chủy ngữ lục; Đại Dương Hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mỹ ngữ, Truyền Đăng lục; Thượng sĩ Hành trạng… Đây là những cuốn sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối và tu hành thập thiện. Ngoài ra, Ngài còn cho lập chùa, cất tịnh xá, lập trường giảng pháp độ tăng. Môn đồ lần lượt tìm đến, trước sau có hàng vạn người. Ngài cũng thường đi hoằng đạo, tìm người có tài, có lòng mộ Đạo để truyền bá Phật pháp như Bảo Sái, Pháp Loa, Bão Pháp, Pháp Cổ, Pháp Không, Huệ Nghiêm…
Mai vàng Yên Tử.
Dưới thời Tam Tổ, Phật giáo Đại Việt, bên cạnh việc hành trì giáo luật của nhà Phật như Tứ phần luật (dành cho giới xuất gia), Ngũ giới, Thập thiện (dành cho cư sỹ, Phật tử tại gia)..., còn khuyến giảng, thực hành giáo luật Trúc Lâm như Lục thì sám hối khoa nghi (do vua Trần Thái Tông soạn), hoặc các nghi thức, sớ điệp dùng trong nghi lễ Phật giáo được tập hợp trong Pháp sự khoa văn và các nghi thức về cúng đàn chẩn tế được soạn trong Độ môn trợ thành tập của Đệ nhị Tổ Pháp Loa; Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương (khoa nghi), Chư phẩm kinh (khoa nghi) của Huyền Quang...
Sau khi Phật Hoàng nhập diệt, dưới sự lãnh đạo của Đệ nhị Tổ Pháp Loa và sau đó là Đệ tam Tổ Huyền Quang, Phật giáo Trúc Lâm phát triển tới đỉnh cao. Theo Tam Tổ thực lục và Thanh Mai Viên Thông tháp bi, Đệ nhị Tổ Pháp Loa, người trụ trì chính ở chùa Báo Ân (Thăng Long, nay là Hà Nội), đã phát triển chùa Vĩnh Nghiêm (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) thành Trung tâm giáo hội thống nhất toàn Đại Việt vào tháng 9 năm 1313. Ngài cũng phát triển các chùa Quỳnh Lâm và Hồ Thiên (Quảng Ninh), cùng với Đệ tam Tổ Huyền Quang phát triển các chùa Thanh Mai và Côn Sơn (nay thuộc TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Đệ nhị Tổ Pháp Loa tổ chức in kinh và xây dựng kho chứa kinh Phật ở chùa Quỳnh Lâm, dịch kinh Mật Tông bổ sung vào Đại tạng kinh, biên soạn nhiều kinh Trúc Lâm, giảng kinh Trúc Lâm của Thái Tông, Tuệ Trung và Phật Hoàng. Các buổi sư giảng đạo ít có 500-600 người, nhiều có hơn nghìn người. Các kinh sách do Phật Hoàng và Tuệ Trung Thượng sỹ viết như Tuệ Trung Thượng sỹ ngữ lục, Thiền Lâm thiết chủy ngữ lục, Thạch thất mị ngữ... được truyền dạy trong cả nước. Theo thư tịch cổ, chỉ riêng Đệ nhị Tổ Pháp Loa đã độ 15.000 tăng ni, hơn 3.000 học trò đắc pháp, 6 pháp sư hành pháp linh nhiệm. Các học trò của của Đệ nhị Tổ Pháp Loa rải khắp các vùng Bắc Bộ đến tận Trung Bộ Việt Nam như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nhiều dấu tích kiến trúc thời Trần được tìm thấy qua khảo cổ tại khu di sản nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh), thuộc Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đề cử là Di sản thế giới. Ảnh: Phan Hằng
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, khẳng định: Tư tưởng Trúc Lâm là bệ đỡ tư tưởng cho vương triều Trần, giữ cho đất nước không chỉ yên bình, bảo vệ được khỏi giặc ngoại xâm, mà còn phát triển đến giai đoạn rực rỡ. Trong nước, người dân phát triển cao về văn hoá cũng như truyền bá mạnh mẽ tư tưởng của Trúc Lâm, nên xã hội rất thanh bình. Do giá trị của Thiền phái Trúc Lâm như vậy cho nên tư tưởng đó của Trúc Lâm sống rất lâu trong lòng xã hội Việt Nam, khởi phát từ thế kỷ XIII, phát triển qua các thế kỷ XV, XVI, rồi phục hưng mạnh mẽ ở thế kỷ XVII, XVIII, và tồn tại cho đến ngày nay.
Sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm chính là kết quả của những nỗ lực đưa Phật giáo sát cánh cùng dân tộc, quy tụ các dòng thiền thời trước trở thành hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội để xây dựng một Giáo hội Phật giáo Đại Việt thống nhất. Từ trung tâm Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đã lan tỏa và phát triển rộng tới các vùng miền của đất nước, thậm chí ra cả các nước lân bang.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (gọi tắt là Yên Tử) là một cảnh quan văn hóa dạng chuỗi liên hoàn trải dài trên 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, có đầy đủ các giá trị và thuộc tính của một cảnh quan văn hóa có giá trị nổi bật toàn cầu, không thể so sánh với bất kỳ Di sản thế giới nào cùng loại ở châu Á.
Không gian di sản bao gồm các khu di tích quốc gia và khu di tích quốc gia đặc biệt ở 3 địa phương: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), Khu Di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều (TX Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích chiến thắng Bạch Đằng (TX Quảng Yên, Quảng Ninh), khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Hải Dương), Khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Hải Dương), khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) cùng một số điểm di tích khác. 20 di tích nổi bật tại ba địa phương đã được lựa chọn để cùng kể câu chuyện của di sản gắn với triều đại nhà Trần và không gian văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Khu Di tích - Danh thắng thắng Yên Tử.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử nằm trên dãy núi Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều, với đỉnh cao nhất 1.068m so với mực nước biển. Núi Yên Tử xưa có nhiều tên gọi: Tượng Sơn (núi Voi), Bạch Vân Sơn (núi Mây Trắng), Phù Vân Sơn (núi Mây Nổi), Linh Sơn (núi thiêng), An Tử… Khu vực này có kiến tạo địa chất đặc biệt với nhiều lần biển tiến, biển thoái, sự thay đổi dòng chảy của hệ thống các sông đổ ra biển... Trên những triền núi đá nơi đây còn dấu tích của những vỏ sò, vỏ ốc, là minh chứng của một thời kỳ kiến tạo địa chất lâu dài.
PGS.TS. Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, cho biết: Về mặt tiến hóa địa chất, cánh cung Đông Triều là vùng đất trải qua nhiều thăng trầm, biến động, nổi bật nhất là vai trò của một đứt gãy địa chất sâu chạy suốt từ mạn kinh thành Thăng Long ra đến biển Đông. Hoạt động của đứt gãy đó quyết định địa hình, cảnh quan của vùng cánh cung Đông Triều, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng. Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đây còn là xương sống, động mạch chủ, là phên dậu của quốc gia Đại Việt, che chở cho lục địa và cũng là nơi giao thương với bên ngoài, giao thoa văn hóa. Vì vậy, toàn bộ vùng này có vai trò rất lớn trong an ninh phòng vệ quốc gia.
Các phật tử, du khách nghe giảng về cuộc đời, sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử. Ảnh: Phan Hằng.
Dãy núi Yên Tử, cụ thể khu vực Đông Triều (Quảng Ninh) là quê hương của họ Trần - dòng họ mà suốt thế kỷ XIII-XIV đã tạo nên một trong những triều đại phong kiến rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam, là triều đình phía Đông của nhà Trần và là nơi an nghỉ của nhiều vị vua và hoàng tộc nhà Trần.
Yên Tử cũng là nơi Phật giáo Trúc Lâm khởi nguồn, lan tỏa, trải qua bao thăng trầm, thịnh suy, rồi chấn hưng, giao hòa và đang tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Đó là nơi các vị sư tổ, thiền sư, tăng ni tu tập, rèn luyện, biên soạn kinh sách, sáng tác thơ ca và nhập niết bàn. Phật giáo Trúc Lâm được hình thành dựa trên những nguyên lý của Phật giáo Đại thừa kết hợp khéo léo với tinh hoa của Đạo giáo, Nho giáo và các tín ngưỡng bản địa để trở thành quốc giáo của dân tộc, có vai trò và ảnh hưởng không chỉ ở quốc gia Đại Việt mà còn cả vùng châu Á và thế giới.
Việc hình thành ở Yên Tử một triều đình phía Đông của nhà Trần, liên minh với các vị sư tổ Phật giáo Trúc Lâm, đã tạo nên một cảnh quan văn hóa đặc sắc với hệ thống thiết chế văn hóa dày đặc, gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ, hệ thống văn bia, kinh văn chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa rực rỡ thời nhà Trần, tồn tại qua hơn 7 thế kỷ, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, môi trường, tôn trọng, hòa hợp với thiên nhiên.
Đường tùng Yên Tử. Ảnh: Phạm Học
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, cho biết: Cha ông chúng ta từ thời xa xưa đã thích ứng được với điều kiện tự nhiên và cảnh quan hùng vĩ của khu vực Yên Tử để tụ cư sinh sống, phát triển và thực hành tôn giáo, tạo dựng nên một hệ thống thiết chế văn hóa nổi tiếng, sử dụng vật liệu tự nhiên trong xây cất các công trình, trong sinh hoạt, cũng như những hiểu biết sâu sắc về môi trường tự nhiên trong quân sự, góp phần vào sự phát triển, an ninh quốc phòng của đất nước.
Như vậy, có thể khẳng định Yên Tử là bằng chứng ngoại hạng về một truyền thống văn hóa được hình thành và phát triển trên quê hương của vương triều Trần, đồng thời là chiếc nôi ra đời của Phật giáo Trúc Lâm - một thiền phái Phật giáo độc đáo. Các vị vua Trần đã dựa trên những giá trị tư tưởng cốt lõi của Phật giáo Trúc Lâm để trị vì đất nước, tạo ra đại đoàn kết dân tộc, huy động các lực lượng và toàn bộ các nhóm dân tộc và tôn giáo - tín ngưỡng cho việc xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập, có chủ quyền toàn vẹn, bảo vệ hòa bình và ngăn chặn chiến tranh lan xuống Đông Bắc Á và Nam Á trong các thế kỷ XIII-XIV.
Chùa Hoa Yên ở Yên Tử.
TS Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam, đánh giá: Trong văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm thể hiện không có xung đột tôn giáo, đạt được tình thương yêu giữa con người với con người, khoan dung, tha thứ cho nhau, tư tưởng nhân văn, bác ái, hòa bình ấy có giá trị trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nếu chúng ta đặt Phật giáo Trúc Lâm trong tổng thể những tư tưởng, hành động, đóng góp của nhà Trần cho việc xây dựng nền văn minh Đại Việt, cho việc bảo vệ độc lập dân tộc, góp phần cùng với các dân tộc khác ở khu vực Đông Nam Á chặn đứng chiến tranh trong thế kỷ XIII, đem đến một giai đoạn hòa bình cho khu vực thì Phật giáo Trúc Lâm có giá trị nổi bật toàn cầu ở khía cạnh này.
Liên minh lịch sử giữa chính trị, tôn giáo, xã hội cùng với ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục phát huy cho tới ngày nay thông qua sự tiếp nối truyền thống thờ tự Phật giáo Trúc Lâm và di sản triều Trần tại vùng lõi Yên Tử, lan tỏa ra toàn bộ đất nước và nhiều nơi khác trên thế giới.
Chiếc hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, một biểu tượng của Phật giáo Trúc Lâm, đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Khu di sản cùng một lúc minh chứng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, biểu hiện qua những di chỉ khảo cổ và di tích quan trọng, hệ thống am, chùa, đền miếu, lăng tẩm, mộ tháp, các bãi chiến trường và các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như kinh sách, văn thơ, lễ hội truyền thống…, qua đó giúp chúng ta hiểu hơn về nền văn minh Đại Việt với nhiều giá trị to lớn hiện chưa tìm thấy ở các di tích Đại Việt khác.
Tất cả đã làm nên một di sản Yên Tử là sự hội tụ, kế thừa của những giá trị văn hóa, lịch sử ở tầm vóc quốc gia và quốc tế; lan tỏa vẻ đẹp và giá trị trường tồn của một di sản văn hóa được truyền thừa, tiếp nối cho nhiều thế hệ người Việt.
*Bài viết có tham khảo tư liệu nghiên cứu của các nhà khoa học.
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán